Giới thiệu Trường THPT Nghi Lộc 4

… MẢNH ĐẤT NƠI TRƯỜNG ĐÓNG !

Nằm ở vùng Đông bắc Huyện Nghi Lộc, Trường THPT Nghi Lộc 4 được đóng trên địa bàn xã Nghi Xá, đây là nơi thu hút học sinh chủ yếu của 10 xã trên địa bàn huyện Nghi Lộc bao gồm: Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Hợp, Nghi Khánh, Nghi Quang, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Yên. Ngoài ra, trường cũng có một số học sinh ở các xã khác như Nghi Ân, Nghi Thuận, Nghi Trung… Với vị trí rất quan trọng, với địa hình đa dạng, từ đồi núi thấp đến đồng bằng,với một bãi biễn rộng lớn có nhiều hải sản quý hiếm. Nơi đây có đền Đức Vua, ngôi đền được xây dựng từ thời Hậu Lê thờ Thục phán An Dương Vương, nhân vật lịch sử có công thống nhất bờ cõi, xây dựng nhà nước Âu Lạc, xây dựng Loa Thành, rèn đúc vũ khí, bảo vệ đất nước.. Nghi xá xưa kia vốn là một vùng đất ven biển, tương truyên rằng, hơn 2000 năm trước dấu chân ngựa của Vua đã in dấu nơi đây. Ghi ơn công lao của ông, nhân dân nơi đây là tôn ông làm thần, lập đền thờ phụng, đến nay đề đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Nơi đây còn nổi tiếng với đền thờ Nguyễn Xí, là một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, thờ Quốc công Nguyễn Xí là một trong những vị khai quốc công thần triều Lê, người đã có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, giải phóng dân tộc trị vì Đất nước.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, vùng Đông Bắc Nghi Lộc đang tự chuyển mình với khu công nghiệp Nam Cấm, khu du lịch sinh thái Bãi Lữ và với các thế mạnh nông, hải sản của mình; vùng đang góp phần lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Huyện nhà.

Những sự tích anh hùng, những mảnh đất, tên làng, những thế hệ Thầy giáo, học sinh đã làm rạng ngời truyền thống anh hùng cách mạng, truyền thống văn hóa, giáo dục của quê hương, góp phần xứng đáng danh hiệu “Quê hương anh hùng”.

Truyền thống của quê hương, đặc biệt là truyền thống VH-GD là tài sản vô giá, là niềm tự hào của mỗi chúng ta, là nguồn năng lượng tinh thần to lớn cho mỗi thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục được bồi đắp và phát huy trong nền giáo dục và cách mạng giai đoạn mới.

NGHI LỘC 4 – LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập cho con em vùng Đông Bắc Nghi Lộc, theo QĐ số 2565 của UBND tỉnh Nghệ An, ngày 17/08/1999 trường THPT Nghi Lộc 4 được thành lập.

Nhà trường từ lúc sơ khai chỉ là một bãi đất hoang vu với bạt ngàn cát trắng, phi lao va bạch đàn. Cơ sở vật chất ban đầu của nhà trường là trạm xá cũ của xã Nghi Xá với một dãy nhà bốn phòng củ nát, ẩm thấp. Bao bộn bề lo toan tràn ngập trong lòng thầy hiệu trưởng đầu tiên. Sau này nhớ lại Thầy tâm sự “lúc đó vừa mừng, vừa lo. Mừng là được cấp trên tin tưởng, giao phó, mừng là con em dân được đi học gần hơn. Lo là vì chỉ còn ít nhày nữa là đến ngày khai giảng trong khi chưa có gì”. Thấu hiểu được nổi lo của Thầy, của toàn thể giáo viên, đồng chí Dần Chủ tịch Huyện đã trực tiếp xuống xem xét thực tế khuôn viên của trường và khu vực phụ cận để tìm cách chọn phương án mượn phòng học tạm cho trường, đồng thời chỉ đạo TTVH và các phòng ban huyện triển khai giúp trường tổ chức ngày khai giảng.

Được sự giúp đỡ của chính quyền xã Nghi Xá, lễ Khai giảng đầu tiên của nhà trường được tiến hành trang trọng trước sân nhà cấp 4 của UBND xã Nghi Xá. Ngày ấy khó khăn chồng chất khó khăn, tài sản duy nhất của nhà trường có được là một dãy nhà cấp bốn của trạm y tế xã đã xuống cấp. Năm đầu tiên trường có 6 lớp với 12 CB-GV, có môn 2 giáo viên giảng dạy, nhưng có môn không có giáo viên nào nên phải dạy chéo một số môn. Thầy hiệu trưởng cũng trực tiếp giảng dạy và làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Phòng học không có, nhà trường phải mượn 3 phòng học của trường tiểu học xã Nghi Xá. Ba lớp học sáng, ba lớp học chiều, sáng học thì chiều đi lao động. Vừa học vừa chung tay xây dựng trường… Nghĩ lại thấy thương cho học trò khóa một, khóa hai. Trong những buổi học đầu tiên, thầy hiệu trưởng đến từng lớp học để an ủi động viên giáo viên học sinh yên tâm học tập. Đó cũng là một động lực tinh thần to lớn động viên tập thể giáo viên còn rất trẻ vừa mới ra trường, là niềm tin cho học sinh yên tâm học tập trong điều kiện nhà trường còn rất khó khăn.

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tình cảm thầy trò thật trìu mến, thân thương tất cả đều nhằm hướng đến một mục tiêu “thi đua dạy tốt, học tốt”. Bên cạnh hình ảnh Thầy hiệu trưởng tận tâm, nhiều thầy cô giáo vừa mới về nhận công tác đã hết mình vì học sinh thân yêu như thầy Phùng Quốc Hưng giáo viên môn Ngoại Ngữ, vừa là bí thư Đoàn trường; thầy Nguyễn Huy Đông; thầy Lê Văn Sa; cô Nguyễn Thị Bính; cô Lê Thị Dung…Thời ấy, phương tiện đi lại còn khó khăn, thầy cô phải thuê nhà dân ở trọ để “vừa dạy, vừa làm” cùng học sinh. Các thầy cô giáo là những con chim đầu đàn, góp phần đặt nền móng cho sự trưởng thành của nhà trường ngày hôm nay.

Kiên trì và nhẫn nại, với nổ lực không ngừng, vừa dạy học vừa cải tạo cơ sở vật chất, đến ngày 20/11 đầu tiên của nhà trường, một công trình vườn hoa thanh niên đã được tập thể học sinh hoàn thành trong khuôn viên nhà trường chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Rồi dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng học được xây dựng và một phòng trạm cũ được cải tạo thành những phòng học đầu tiên của nhà trường.

Khó khăn ngày ấy tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng với sự nổ lực hết mình của cả thầy và trò, đặc biệt dưới sự chèo lái tài trí và đầy tâm huyết của thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Thái, thầy hiệu phó Võ Thanh Hoa và sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các nghành, của hội phụ huynh đã giúp nhà trường bước đầu vượt qua những khó khăn thử thách, tiếp thêm động lực để phấn đấu vươn lên đạt được những kết quả bước đầu.

Năm học đầu tiên trường có 16 em tham gia đội tuyển HSG cấp tỉnh ở tất cả các môn, 11 em đạt giải chiếm tỉ lệ 68,75%.

Bước sang năm học thứ hai, tình hình cũng chưa có gì khả quan hơn, nhà trường tiếp tục đứng trước những thách thức mới, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học, toàn trường vẫn là bãi cát trắng, phòng học, cổng vào chưa được đi vào quy củ. Cái khó mới đặt ra trong công tác tuyển sinh của nhà trường, trong lúc các trường lân cận đã có bề dày truyền thống, chính vì thế điểm đầu vào của trường thấp nhất trong huyện. Nhưng với trí tuệ, sự nhiệt tình, lòng yêu nghề, tập thể GV-HS đã nổ lực hết mình cho sự phát triển chung của nhà trường. Bao công sức đó của cả thầy và trò đã được bù đắp xứng đáng bằng sự phát triển về chất lượng giáo dục và đổi thay về cơ sở vật chất của nhà trường.

- Về cở sở vật chất: nhà trường đã xây dựng được nhà học 2 tầng gồm 12 phòng học, nhà học cấp 4 gồm 2 phòng, đóng mới 52 bộ bàn ghế, lắp đặt hệ thống bảng chống lóa, làm sân gạch và bê tông, trồng nhiều cây bóng mát và cây xanh, mua thiết bị, tài liệu, sách tham khảo..

- Về số lượng giáo viên, học sinh, kết quả đạt được:

+ Năm học 2000 - 2001: nhà trường có 788 học sinh/15 lớp với 32 CB-GV-NV.

+ 17/32 em tham dự HSG tỉnh đạt giải chiếm tỉ lệ 53,12%.

- Về văn nghệ TD-TT: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy học, thiếu thốn trăm bề nhưng BGH, Đoàn trường vẫn thường xuyên chăm lo cho phong trào, tổ chức thi hát dân ca, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông giữa các lớp trong các ngày lễ lớn ( 20/11, 26/3). Chi đoàn GV cũng tổ chức giao hữu với các trường bạn…

Bước sang năm học 2001-2002, nhà trường dã có nhiều điểm khới sắc, mọi hoạt động đã bắt đầu bước vào quy củ, xây dựng thêm 1 dãy nhà học cấp 4 gồm 5 phòng học và các công trình vệ sinh. Mặc dù vẫn còn học 2 ca nhưng nhà trường đã bố trí cho các em học thêm để nâng cao kiến thức và ôn luyện cho kì thi TN, ĐH - CĐ. Nhờ sự nổ lực phấn đấu, với chất lượng đội ngủ giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết nhà trường đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu cho mình, thu hút được đông số lượng học sinh theo học, chất lượng cũng đạt kết quả cao hơn. Trong năm học này, trường có 1328 học sinh /27 lớp với 47 CB, GV-NV. Có 19/32 HS tham gia dự thi HSG tỉnh đạt giải, chiếm tỉ lệ 59,37%. Điều đáng mừng hơn nữa đây là khóa đầu tiên TN các em đã đạt tỉ lệ trên 90% và có tới 35 em đậu ĐH-CĐ. Với sự nổ lực không ngừng ấy, nhiều em đã đỗ vào các trường ĐH có tên tuổi như ĐH Bách Khoa, Học viện tài chính, Kinh tế quốc dân..

Trong 2 năm học tiếp theo, nhà trường đã từng bước hoàn thiện về cở sở vật chất, hoàn thiện về đội ngũ chất lượng dạy và học. Trường đã xây dựng thêm nhà văn phòng 2 tầng, làm sân gạch, bồn hoa và cây cảnh. Số lượng HS ngày càng tăng lên. Năm 2002-2003 có 1618 HS/30 lớp, đến 2003-2004 có 1734HS /36 lớp, thì đến năm 2004-2005 có 1857 HS/40 lớp. Đội ngũ CB-GV cũng không ngừng được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong năm học 2002-2003 với 63 CB-GV thì có tới 36 người đạt LĐG, 1 GVG cấp trường và 3 CSTĐ cấp cơ sở. Nhà trương đã tổ chức kết nạp Đảng cho 14 người, 2 người có bằng thạc sĩ và tiếp tục cử CB-GV đi đào tạo cao học để nâng cao năng lực, nghiệp vụ Hàng năm nhà trường đã tổ chức thi nghiệp vụ sư phạm, thi GVG trường. Năm học 2004-2005, trường đã cấp chứng nhận cho 7 GV đạt danh hiệu GVG cấp trường.

Có thể nói, chặng đường đầu tiên là khoảng thời gian đầy cam go và thử thách cho toàn thể CB,GV-NV và HS của nhà trường, vừa học vừa xây, vừa học vừa kiến thiết và hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau trường đã có một cơ ngơi khá vững chắc với số lượng HS đông đảo, chất lượng ngày càng cao. Đội ngũ GV hùng hậu về số lượng, đạt chuẩn, tâm huyết với nghề hết lòng vì thế hệ trẻ. Trường THPT Nghi Lộc 4 đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng dân, trở thành một điểm sáng trong nghành giáo dục của Huyện nhà.

Trở về trường THPT Nghi Lộc 4 hôm nay, các thế hệ thầy cô, học sinh không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kì diệu. Gần 2 thập kỉ, khoảng thời gian không dài, nhưng với sự nổ lực hết mình của tập thể CB-GV-HS đã cống hiến bằng tất cả trí tuệ, tình cảm của mình cho sự lớn mạnh của nhà trường. Bao công sức của thầy trò đã được bù đắp bằng sự phát triển về chất lượng giáo dục và sự khang trang của nhà trường.

Nhận thức rõ vị thế và uy tín trong sự nghiệp giáo dục của Tỉnh nhà, nhà trường luôn giữ vững và nâng cao chất lượng các mặt, hoạt động bám sát chủ đề từng năm học để có kế hoạch chỉ đạo thực sự có hiệu quả. Nhà trường thường xuyên chú trọng việc tuyên truyền GD trong CB-GV và HS, ý thức thực hiện nghiêm túc điều lệ nhà trường. Nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp và giáo dục toàn diện cho học sinh.

Kế thừa và phát huy thành quả của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường. Tập thể CB, GV, NV, Học sinh và cựu GV-HS của nhà trường phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ tương trợ lẫn nhau để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quyết tâm xây dựng trường THPT Nghi Lộc 4 đạt chuẩn Quốc gia trong năm 2017.

 

BAN GIÁM HIỆU              

 

 

        

 

Tags:
  • :
  • :
Chat với Công ty vệ sinh công nghiệp tại TP Vinh, Nghệ An qua Facebook